Chăm sóc giày bảo hộ đúng cách (P2)

Hình ảnh đôi chân mang giày bảo hộ bằng vải màu cát, model giày Safety Jogger Desert 011

bài viết trước, chúng ta đã biết một số thao tác chăm sóc giày bảo hộ cơ bản nên thực hiện hàng ngày. Ở bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các cách tổng vệ sinh giày bảo hộ mỗi cuối tuần (hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng của giày).

Chăm sóc giày bảo hộ cũng có những điểm giống với chăm sóc giày thời trang. Nhưng không như giày thời trang, hầu hết chúng ta chỉ sắm một đôi giày bảo hộ để phục vụ công việc. Có người mang giày bảo hộ hàng ngày, có người chỉ mang giày bảo hộ khi đến nhà máy, công trường. Vì vậy thời gian tiện lợi nhất để tổng vệ sinh là cuối tuần.

Chăm sóc giày bảo hộ có phức tạp?

Việc chăm sóc đơn giản hoặc phức tạp sẽ tùy thuộc vào giá trị của đôi giày và người mang thích đôi giày của mình đến đâu.

Có nhiều loại giày bảo hộ làm từ những loại chất liệu khác nhau, trong đó có hai loại phổ biến nhất là giày bằng da và giày bằng vải.

Giày bảo hộ bằng da thì lại được chia thành nhiều loại: da full-grain, da nubuck (nhám), da split, da lộn… Mỗi loại da lại có đặc điểm khác nhau nên sẽ cần một cách chăm sóc riêng.

Giày da split

Đa phần giày bảo hộ dưới 1 triệu đồng được làm từ da split. Không như da full-grain, cấu tạo của da split không chống thấm nước. Vì vậy NSX thường tạo thêm lớp phủ để giúp giày có khả năng chống thấm nước. Có nhiều cách để tạo lớp phủ, phổ biến thường là phủ PU hoặc màu nhuộm.

Với lớp phủ bổ sung, chăm sóc giày bảo hộ bằng da split đơn giản hơn giày da lộn và giày vải canvas rất nhiều. Chúng ta có thể dùng vải ẩm để lau các vết bẩn trên giày.

Hình ảnh trên chân giày bảo hộ Takumi  ở nền bê tông

Dĩ nhiên chúng ta không quên những thao tác nên làm cuối mỗi ngày như vệ sinh đế giày (nếu cần thiết) và nhét giấy vào bên trong để hút hơi ẩm cũng như mùi hôi. Lưu ý chọn giấy có khả năng thấm hút cao (ví dụ như giấy báo).

Giày da full-grain

Da full-grain là lớp da trên cùng của tấm da với mật độ các sợi dày đặc, vì vậy da full-grain có khả năng chống thấm nước mà không cần thêm lớp phủ PU như da split.

Việc vệ sinh đất và bụi bẩn trên da full-grain cũng có thể dễ dàng thực hiện với một chiếc khăn ẩm.

Trong tâm của việc chăm sóc giày bảo hộ bằng da full-grain đó là lớp da trên giày sẽ bị khô trong quá trình sử dụng. Khi lượng dầu này mất đi thì da sẽ bị khô, từ đó da dễ bị nứt, gãy. Để hạn chế tình trạng nứt da, chúng ta nên “tiếp dầu” cho da qua những chế phẩm phù hợp (như xi đánh giày). Tùy vào cường độ sử dụng (sử dụng thường xuyên), môi trường sử dụng (giày có dính nhiều bùn đất) mà chúng ta nên thực hiện việc “tiếp dầu” thường xuyên hàng tuần, mỗi 2-3 tuần hoặc 4 tuần.

Hình ảnh một chiếc giày cao cổ, bằng da thật màu nâu, sau một thời gian sử dụng lớp da bị khô
Da giày khô sau một thời gian sử dụng

Chúng ta đừng xem nhẹ bụi đất dính trên da giày (đặc biệt là xi măng). Lớp bụi đất sẽ hút dầu trong da, làm cho da mất dầu nhanh hơn.

Giày da lộn và giày da nubuck

Khác với da full-grain và da split phủ PU, bề mặt da lộn và nubuck nhám hoặc sần sùi. Vì vậy hai loại da này rất dễ bám bẩn.

Với tính chất tương đối giống nhau nên chúng ta có thể áp dụng chung một cách chăm sóc cho hai loại da này.

Một lưu ý quan trọng trong công đoạn chăm sóc giày bảo hộ da lộn, đó là chúng ta không nên dùng nước để vệ sinh ở giai đoạn đầu. Vì nếu chúng ta vệ sinh với nước ở ngay giai đoạn đầu tiên thì có thể khiến vết bẩn bị lem, phần da bị phai màu.

Vật dụng quan trọng khi chăm sóc giày da lộn và nubuck

Một chiếc bàn chải chuyên dụng dành riêng cho da lộn và da nubuck là dụng cụ nên có. Nếu không chúng ta có thể dùng bàn chải đánh răng lông mềm.

Các bước thực hiện

  1. Đầu tiên, dùng bàn chải để loại bỏ những đất, cát, bụi bẩn trên bề mặt giày. Việc này giúp giày sạch hơn trước khi thực hiện những bước kế tiếp. Bạn lưu ý chải theo chiều thuận của bề mặt da.
  2. Nếu giày có những vết xước ở các cạnh, bạn vẫn dùng bàn chải nhưng cần chải mạnh tay với động tác liên tục để loại bỏ những sợi xơ. Cố gắng chỉ chải quanh khu vực bị trầy xước, không chải lấn sang những vùng lành lặn.
  3. Những vết bẩn cứng đầu cần được xử lý kết hợp với nước, nhưng nếu vậy sẽ để tạo ra vệt lem, vì vậy bạn hãy vệ sinh toàn bộ đôi giày để nếu da giày có bị phai màu sau khi vệ sinh thì cũng khó nhận biết.
  4. Dùng bàn chải nhúng chút nước và chải lên toàn bộ giày, cọ kĩ phần có vết bẩn. Sau đó dùng cây độn giày (nếu có) hoặc đơn giản là vò giấy và nhét vào bên trong để giữ dáng cho giày. Sau đó thì để giày khô tự nhiên. Chúng ta nên lưu ý chọn giấy vì mực in trên giấy có thể lem ra mặt trong của giày.
  5. Nếu giày có những vệt mờ do nước mưa bắn lên thì bạn có thể dùng một chút giấm trắng để vệ sinh phần da lộn. Mùi của giấm có thể còn vương lại nhưng sau một thời gian mùi này sẽ phai đi.

Giày vải (canvas)

Giày bảo hộ vải dễ bám bẩn và yêu cầu nhiều công sức hơn để vệ sinh. Tuy nhiên giày bảo hộ vải có độ thoáng khí tốt hơn giày bảo hộ da.

Có hai cách để vệ sinh chăm sóc giày bảo hộ bằng vải: bằng tay và bằng máy giặt.

  • Sử dụng máy giặt thì nhanh và tiện lợi, tuy nhiên cách này có thể làm yếu lớp keo dán giày.
  • Vệ sinh giày bằng tay tuy tốn thời gian và công sức nhưng là cách hiệu quả để vệ sinh giày vải.

Cho dù giặt tay hay máy thì trước tiên chúng ta phải để giày khô, sau đó làm sạch bụi đất ở bên ngoài. Tiếp theo là tháo dây giày và miếng lót (nếu có thể).

Dụng cụ chuẩn bị

  • Một cái xô
  • Ít bột giặt (nếu phải xử lý các vết bẩn cứng đầu)
  • Nước ấm
  • Bàn chải đánh răng hoặc một miếng bọt biển thường dùng rửa chén
  • Khăn tắm cũ
  • Giấy cũ

Các bước thực hiện

  1. Đổ nước ấm vào xô. Pha loãng với một ít bột giặt nếu là vết bẩn cứng đầu. Tuyệt đối không đổ trực tiếp bột giặt lên vết bẩn. Làm vậy có thể gây phai màu vải.
  2. Sử dụng bàn chải (hoặc miếng rửa chén) nhúng vào nước trong xô, sau đó chà trên bề mặt giày. Nhúng giày vào xô và tiếp tục chà bề mặt giày. Lưu ý không ngâm toàn bộ giày vào nước.
  3. Lấy giày ra khỏi xô, xả với nước ấm.
  4. Sử dụng khăn tắm cũ để thấm hút nước từ giày.
  5. Vò giấy cũ và nhét vào bên trong giày, việc này giúp làm khô và giữ form giày.
  6. Phơi giày ở nơi khô ráo, thoáng. Có thể phơi dưới ánh nắng. Tránh để giày ở gần nguồn nhiệt độ cao như gần đống lửa hoặc dùng máy sấy. Nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến chất liệu vải.

Khi giày bị ướt sũng do trời mưa. Khi đó thì thời gian một đêm có thể sẽ không đủ để giày khô. Việc mang giày ướt đến nơi làm việc có thể khiến chúng ta bị đồng nghiệp xa lánh vì mùi hôi phát ra từ giày. Vì vậy nếu có thể hãy trang bị một đôi giày bảo hộ thứ hai để dự phòng và luân phiên sử dụng hai đôi giày.

Tham khảo cleanipedia (1), cleanipedia (2)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *